20 năm, những bài học kinh nghiệm quý cho phát triển
20 năm, những bài học kinh nghiệm quý cho phát triển
5/10/23 6:10 AM
Ông Vũ Văn Hòa: Khởi đầu từ dự án xây dựng KCX Tân Thuận đầu tiên vào năm 1991, đến nay các KCX - KCN TP đã thực hiện được 5 mục tiêu mà Chính phủ giao. Các nhà đầu tư đã dần nâng cao trình độ công nghệ, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao trong các lĩnh vực như: điện tử, cáp quang, vi mạch, bán dẫn, pin năng lượng mặt trời...
20 năm qua, hoạt động các KCX - KCN đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố; chuyển biến những vùng nông nghiệp lạc hậu với năng suất thấp thành vùng công nghiệp, phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội; hạ tầng giao thông kết nối đến KCN cũng như các hệ thống điện, nước, viễn thông phát triển. TP là địa phương đầu tiên trong cả nước có 100% KCX - KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Bên cạnh đó, các KCX – KCN bước đầu đã xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, cùng doanh nghiệp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Các KCX – KCN thành phố là nơi tiên phong trong xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, các KCX – KCN thành phố đã có 17 chi bộ đảng với 452 đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” đã phát huy tốt trong 20 năm qua nhằm giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng, làm thay đổi phong cách quản lý; đảm bảo tập trung thống nhất đầu mối trong quản lý, hoàn thiện cung cách phục vụ, tạo được lòng tin cho nhà đầu tư.
* Những vấn đề gì còn tồn tại trong quá trình hoạt động của các KCX-KCN TP?
Hiện nay, còn nhiều dự án đầu tư nước ngoài trong KCX – KCN quy mô vốn còn nhỏ, chủ yếu là gia công, thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp, tập trung vào các ngành dệt may, da giày, lắp ráp điện tử... Số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỉ lệ còn ít. Hệ thống giao thông kết nối đến KCX – KCN chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ với sự phát triển của KCX – KCN. Khu dân cư liền kề KCN phát triển còn tự phát, các dịch vụ phục vụ sản xuất và người lao động chưa phát triển; một số KCN có khu dân cư xen lẫn trong KCN. Trong giai đoạn đầu, một số ngành nghề phát sinh nhiều chất ô nhiễm...
Ngoài ra, chúng ta còn thiếu các công trình hạ tầng xã hội như nhà lưu trú, trạm y tế, trung tâm sinh hoạt, nhà trẻ, siêu thị... phục vụ nhu cầu của hơn 70% lao động nhập cư. Đời sống của công nhân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp trong khi giá cả sinh hoạt tại thành phố ngày càng tăng, đời sống tinh thần còn nghèo nàn. Số lượng và chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế.
* Với những mặt hạn chế trên, theo ông các KCX – KCN đã rút ra được những bài học gì qua chặng đường 20 năm phát triển?
Thực tiễn cho thấy, công tác quy hoạch KCN phải gắn liền với quy hoạch phát triển khu đô thị nhằm phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp và người lao động. Trong KCN phải phân khu chức năng ngành nghề hợp lý. Hạ tầng bên ngoài kết nối đến KCX - KCN phải được quy hoạch và xây dựng đồng bộ với việc xây dựng và phát triển KCX – KCN. Khi xây dựng khu công nghiệp phải hoạch định hệ thống hạ tầng xã hội ngay từ đầu, chuẩn bị quỹ đất và giao trách nhiệm xây dựng, tổ chức hoạt động các hạ tầng xã hội thật rõ ràng.
Chúng ta phải chọn lọc dự án đầu tư cho phù hợp với thế mạnh và xu hướng phát triển của TP, sử dụng được nguồn lao động có chất xám tại chỗ; chú trọng thu hút những dự án có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; các tập đoàn lớn để phát triển các ngành công nghệ tiên tiến và tạo ảnh hưởng rộng kéo theo các công ty vệ tinh (ngành công nghiệp hỗ trợ) vào đầu tư trong KCX – KCN.
Cơ chế “một cửa, tại chỗ” cần được duy trì và phát huy để tạo sức hút mạnh mẽ cho nguồn đầu tư vào KCX - KCN. Ngoài ra, cần xây dựng đủ mạnh hệ thống chính trị nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ lao động. Các đoàn thể cần tăng cường phối hợp với chủ doanh nghiệp để phát triển sản xuất - kinh doanh đúng pháp luật; chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ tay nghề cho đội ngũ công nhân.
* Với những kết quả đạt được cùng những mặt hạn chế, ông có thể cho biết mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của các KCX – KCN TP từ nay đến năm 2015 có tính đến năm 2020?
Chúng tôi xác định nhiệm vụ trọng tâm của các KCX – KCN thời gian tới là chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp tại KCX - KCN hiện hữu. Thực hiện đổi mới công nghệ, phát triển các ngành công nghệ tiên tiến, chuyển từ công nghiệp gia công sang chế biến và công nghiệp chế tạo nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tạo khả năng cạnh tranh; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ phục vụ công nghiệp; nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, bảo vệ môi trường bền vững.
Đầu tư xây dựng KCN mới theo hướng hiện đại, kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp – đô thị - dịch vụ với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đầy đủ dịch vụ phục vụ sản xuất và người lao động, thu hút các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ sạch. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư.
Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường phối hợp với các sở ngành thành phố, nhất là các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Hiệp hội ngành nghề để hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ mới.
Tổng vốn đầu tư tại các KCX - KCN TP đạt 7,7 tỉ USD, trong đó vốn đầu tư của các dự án sản xuất công nghiệp đạt 6,68 tỉ USD với 1.216 dự án, vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các công ty phát triển hạ tầng đạt 749,47 triệu USD và của các ngành cung ứng dịch vụ như: nước, điện, bưu chính viễn thông, xăng dầu, ngân hàng đạt trên 281,3 triệu USD.Kim ngạch xuất khẩu lũy kế đạt 23.211,83 triệu USD, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của thành phố; Nếu so với kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bàn thì KCX, KCN chiếm tỉ lệ trên 60%. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm đạt 15%. Đóng góp cho ngân sách thành phố xấp xỉ 3.000 tỷ đồng/năm. Đến nay, các KCX - KCN đã thu hút được 255.855 lao động, trong đó, 70% lao động từ các tỉnh và hơn 20.000 chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại khu vực này.
BẢN TIN HEPZA