Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển
Theo đó, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển nêu tại quyết định này được xem xét áp dụng cơ chế hỗ trợ thích hợp theo quy định tại điều 4 của Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trong ngành Dệt - May, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển gồm: Xơ thiên nhiên (bông, đay, gai, tơ tằm); xơ tổng hợp (PE, Viscose); vải (vải kỹ thuật, vải không dệt); hóa chất, chất trợ, thuốc nhuộm phục vụ ngành nhuộm hoàn tất vải; phụ liệu ngành may (cúc, mex, khóa kéo, băng chun).
Ngành Da - Giầy gồm: Da thuộc, vải giả da, đế giầy, hóa chất thuộc da, da muối và chỉ may giầy.
Ngành Điện tử - Tin học gồm: Linh kiện điện tử - quang điện tử cơ bản (transistor, mạch tích hợp, cảm biến, điện trở, tụ, điôt, ăngten, thyristor); linh kiện thạch anh; vi mạch điện tử; linh kiện phục vụ công nghiệp lắp ráp sản phẩm điện tử; pin dùng cho máy vi tính xách tay, điện thoại di động.
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành Sản xuất lắp ráp ô tô là: Động cơ và chi tiết động cơ (thân máy, poston, trục khuỷu, thanh truyền, bánh răng...); hệ thống lái; hệ thống phanh; bánh xe; linh kiện nhựa cho ô tô; hệ thống xử lý khí thải ô tô…
Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành Cơ khí chế tạo được ưu tiên phát triển là: Khuôn mẫu, đồ gá; dụng cụ - dao cắt (dao tiện, dao phay, mũi khoan); thép chế tạo...
Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao như: Các loại khuân mẫu; các loại chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao; các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị (thiết bị ngoại vi, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, pin mặt trời); các cụm linh kiện, phụ tùng cho hệ thống thiết bị sản xuất điện năng từ năng lượng mới và năng lượng tái tạo; các loại chi tiết nhựa chất lượng cao.
Xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng
Ngày 24/8/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này được quy định tối đa lên đến 100 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bao gồm:
- Vi phạm quy định về kiểm toán năng lượng
- Vi phạm quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp.
- Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
- Vi phạm quy định về nhãn năng lượng
- Vi phạm quy định về sản xuất, nhập khẩu, lưu thông phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ.
- Vi phạm, cản trở hoạt động công vụ trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong đó, phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp không thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, biện pháp quản lý công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bắt buộc áp dụng quy định tại điều 24 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011.
Mức phạt là từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng các quy định về định mức sử dụng năng lượng, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu xây dựng nhằm tiết kiệm năng lượng do Bộ Xây dựng ban hành.
Mức phạt sẽ lên đến 100 triệu đồng nếu nhập khẩu thiết bị, phương tiện vận tải không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với thiết bị, phương tiện vận tải.
Hành vi không thực hiện đầy đủ nội dung của báo cáo kiểm toán năng lượng theo biểu mẫu quy định bị phạt cảnh cáo; không thực hiện kiểm toán năng lượng theo quy định bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2011.
BẢN TIN HEPZA