Kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm 2019

3/21/23 7:35 AM
 

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều tối ngày 01/8/2019, qua số liệu công bố, kinh tế - xã hội nước ta qua 7 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến khả quan; bức tranh vĩ mô có chiều hướng tăng trưởng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,18% so với tháng trước. Trung bình 7 tháng đầu năm 2019, chỉ số này tăng 2,61% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước tăng khá, thu ngân sách trung ương 6 tháng đạt 51,5% dự toán - mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt được 46,7%.

Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,5%. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI là 5,6%; tỉ trọng của khu vực trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% (cùng kỳ năm ngoái là 29%). Xuất siêu 1,8 tỉ đô la Mỹ.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá 9,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao 10,7%; ngành khai khoáng tăng nhẹ; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Trong 7 tháng qua vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 10,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,1% so với cùng kì năm ngoái. Có 79,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,6% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về vốn đăng ký. Có 24,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,9%.

Các dự báo về kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,5 - 6,8%

Các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực tình hình, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019. IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam khoảng 6,5% năm 2019; WB dự báo tăng trưởng ở mức 6,6%; ADB lạc quan hơn với dự báo tăng trưởng 6,8%.

Chỉ số phát triển bền vững năm 2019 (SDG Index 2019) mới được Ban Thư ký LHQ công bố, theo đó Việt Nam xếp hạng 54/162 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 2 sau Thái Lan, năm 2018 đứng thứ 3).

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2019) mới được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới công bố, Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc, xếp hạng 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong khu vực ASEAN xếp thứ 3 sau Singapore, Malaysia); nhiều chỉ số thành phần tăng mạnh (như chỉ số nghiên cứu và phát triển tăng 14 bậc; chỉ số cơ sở hạ tầng chung tăng 12 bậc; chỉ số tác động kiến thức tăng 14 bậc; chỉ số sáng tạo trực tuyến tăng 10 bậc)… Đây là những chỉ số quan trọng nhất là khi chúng ta đang tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, Nikkei cũng vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam tăng nhẹ từ 52,5 điểm của tháng 6 lên 52,6 điểm trong tháng 7. So sánh với các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 sau Myanmar (52,9 điểm), xếp trên Philippines (52,1 điểm), Thái Lan (50,3 điểm). Ước tính dựa vào PMI cho thấy sản lượng ngành sản xuất sẽ có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng 2 con số theo năm vào quí 3-2019.

Nguồn Thời báo kinh tế Sài gòn Online

Bài viết liên quan