Nâng cao hiệu quả về công tác phòng cháy và chữa cháy tại các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM
Tình hình thực tế trong công tác PCCC tại KCX – KCN TPHCM:
Theo kế hoạch số 142/KH-PCCC-P2 của Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Tp Hồ Chí Minh, từ ngày 26/6/2012 đến ngày 24/7/2012, đoàn kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy tại các công ty kinh doanh đầu tư hạ tầng khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn TPHCM(KCX – KCN) và một số doanh nghiệp đang hoạt động trong khu chế xuất và khu công nghiệp. Mục tiêu trọng tâm trong đợt kiểm tra là nâng cao hiệu quả về công tác phòng cháy và chữa cháy, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
Đoàn kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy gồm đại diện Ban quản lý các KCX&CN TPHCM, Sở Cảnh sát PC&CC TPHCM, Phòng cảnh sát PC&CC các quận 4, 9, 12, Bình Tân, Tân Phú, Phòng cảnh sát PC&CC huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý hồ sơ an toàn PCCC và kiểm tra thực tế về việc trang bị, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị (xe chữa cháy chuyên dụng, máy bơm chữa cháy, vòi, lăng…), việc triển khai đội hình chữa cháy, khoảng cách giữa các trụ nước và tiêu chuẩn kỹ thuật giữa vòi lấy nước và trụ nước, trữ lượng và áp lực nước v.v…
Trong 14 đội PCCC chuyên trách của các KCX -KCN vẫn còn một số đội, trụ sở làm việc chủ yếu tận dụng mặt bằng sẵn có của cơ sở để bố trí cho đội PCCC chuyên trách làm việc, trang bị phương tiện PCCC còn thiếu. Việc bố trí, sắp xếp các loại phương tiện trên xe chữa cháy chưa hợp lý, chưa phân định cụ thể vị trí để phương tiện riêng theo từng số của đội hình xe chữa cháy dẫn đến tình trạng khi kiểm tra báo động triển khai đội hình chữa cháy, các đội viên thao tác triển khai còn lúng túng, chưa thật sự thành thạo trong việc sử dụng, vận hành máy móc, thiết bị hoặc bố trí các phương tiện theo xe chưa đủ cơ số (lăng, vòi chữa cháy) theo quy định. Việc đầu tư kinh phí, trang bị các đồ dùng, thiết bị bảo hộ cho đội viên chữa cháy còn hạn chế, hầu hết các đơn vị chỉ mới đạt được ở mức độ cấp phát các đồ dùng bảo hộ lao động cá nhân, thiếu các trang thiết bị bảo hộ chuyên dụng trong chữa cháy như quần áo chống nóng, mặt nạ phòng độc cách ly, ủng, găng tay, nón chữa cháy... chủ yếu tại Đội PCCC chuyên trách của các KCX – KCN.
Ngoài đội hình PCCC chuyên trách của KCX Tân Thuận được tổ chức như đội PCCC chuyên nghiệp, còn lại đội viên PCCC chuyên trách của các khu khác là Cán bộ, công nhân viên làm việc trong cơ sở, tham gia Đội PCCC theo chế độ bán chuyên trách do đó lực lượng bố trí phân tán, dẫn đến tình trạng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra quân số thường trực triển khai theo các đội hình xe, máy bơm chữa cháy không đảm bảo, triển khai chậm, do phải có thời gian tập trung, huy động quân số từ các vị trí khác đến (KCN Cát Lái, KCN Hiệp Phước, KCN Tân Tạo, KCN Bình Chiểu, KCX Linh Trung 1, Linh Trung 2, KCN Tân Bình).
Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động lực lượng PCCC chuyên trách KCX – KCN:
Hiện nay, các doanh nghiệp KCX – KCN gia tăng về số lượng cũng như quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh, do vậy, cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Lãnh đạo đơn vị và đặc biệt là của người đứng đầu cơ sở trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của Đội PCCC cơ sở nói chung và của lực lượng PCCC chuyên trách của KCX - KCN nói riêng.
Lãnh đạo các đơn vị cần lập kế hoạch cụ thể về công tác PCCC tại đơn vị, dự trù kinh phí hoạt động hàng năm, đồng thời có chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kịp thời động viên, thúc đẩy tinh thần tích cực của đội trong hoạt động PCCC. Kiện toàn biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy KCX – KCN dần đến hình thức hoạt động theo chế độ chuyên trách, nhưng trước mắt phải bảo đảm đủ quân số, bố trí phù hợp với phương tiện chữa cháy đã trang bị, làm việc theo ca và bảo đảm thường trực 24/24 giờ trong ngày. Ban lãnh đạo đội gồm có 1 đội trưởng và các đội phó giúp việc. Ban chỉ huy Đội PCCC phải có đủ trình độ nghiệp vụ về PCCC, năng lực quản lý để điều hành, chỉ huy và hướng dẫn các đội viên của mình các kiến thức cơ bản về PCCC, tổ chức tập luyện sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy đã được trang bị, đồng thời các đội viên phải được huấn luyện kỹ về nghiệp vụ PCCC, đặc biệt là các thao tác triển khai về đội hình chữa cháy cơ bản, sử dụng các phương tiện chữa cháy cơ giới như xe và máy bơm chữa cháy. Xây dựng “Quy chế về việc quản lý hoạt động của các lực lượng PCCC” để đảm bảo khả năng hoạt động và huy động lực lượng tham gia ứng cứu, chữa cháy trên các địa bàn lân cận khi cần thiết theo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ”; Phương tiện, dụng cụ chữa cháy phải được trang bị đầy đủ về số lượng, chất lượng, phù hợp với yêu cầu chữa cháy, tính chất, đặc điểm của từng bộ phận trong cơ sở và theo quy định.
Tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại doanh nghiệp nhằm kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót về PCCC phòng ngừa và đảm bảo công tác chữa cháy khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; Thường xuyên kiểm tra về số lượng, chất lượng của các phương tiện, dụng cụ chữa cháy; chế độ bảo quản, bảo dưỡng, duy trì chế độ thường trực chiến đấu, đảm bảo hoạt động tốt khi có cháy, nổ xảy ra.
Tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với các doanh nghiệp trong KCX - KCN theo văn bản số 492/CS PCCC TP-HDPC ngày 18/02/2009.
Phối hợp với cơ quan Cảnh sát PCCC tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC, thực tập phương án chữa cháy cho đội PCCC chuyên trách và tại các doanh nghiệp trong KCX - KCN.
Tăng cường phối hợp với Ban quản lý, Phòng CS PC&CC các quận, huyện nơi mà KCX – KCN trú đóng tiến hành kiểm tra tại các doanh nghiệp trong khu nhằm nắm rõ địa bàn, điều kiện, khả năng hoạt động của lực lượng PCCC và đặc điểm từng doanh nghiệp để thuận tiện trong việc xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.