Năm đột phá cải cách hành chính và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14

3/23/23 6:53 AM
 

Với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cải cách hành chính, năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn chủ đề là “Năm đột phá cải cách hành chính và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14”, theo đó, tất cả người đứng đầu của các sở ban, ngành quận huyện ký cam kết quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác cải cách hành chính của cơ quan năm 2019, với 10 nội dung như sau:

1. Tập trung xây dựng cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết số 18 và 19-NQ/TW. 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc phải có Quy chế tổ chức và hoạt động, Quy chế làm việc phù hợp quy định hiện hành. Đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ phẩm chất và năng lực thi hành công vụ.

2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, có cơ chế kiểm soát công tác tiếp nhận, giải quyết, trả hồ sơ thủ tục hành chính của cá nhân doanh nghiệp. Đối với quy trình liên thông, người đứng đầu cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ chịu trách nhiệm kiểm soát, theo dõi, đôn đốc toàn bộ quy trình:

- Công khai kịp thời, đầy đủ, đúng quy định các danh mục thủ tục hành chính, các thủ tục hành chính được công bố; các danh mục thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; các danh mục không áp dụng tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và Trang thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan, đơn vị trực thuộc.

- Tỷ lệ từng hồ sơ giải quyết đúng hạn trên từng lĩnh vực đạt trên 90%.

- 30% - 40% số lượng thủ tục hành chính đủ yêu cầu, điều kiện được cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4.

100% hồ sơ hành chính giải quyết bị trễ hạn phải thực hiện thư xin lỗi đối với cá nhân, doanh nghiệp theo quy định.

3. 100% phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, thủ tục hành chính của cá nhân, doanh nghiệp phải được xử lý kịp thời và đúng quy định.

4. 100% các văn bản chính thức trao đổi giữa các cơ quan các cấp (trừ các văn bản, tài liệu có độ mật) được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử kết hợp với chữ ký số.

5. 100% cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001/ISO điện tử.

6. Đạt tỷ lệ trên 80% ý kiến hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của từng cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Kết quả khảo sát ý kiến của cá nhân, doanh nghiệp phải được công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và Trang thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan, đơn vị trực để cá nhân, tổ chức giám sát.

7. Tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất tối thiểu 30% số phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc, đặc biệt kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính.

8. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân; quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước.

9. Có ít nhất một sáng kiến, giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng và tiến độ giải quyết yêu cầu của cá nhân, doanh nghiệp.

10. Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của cơ quan đạt từ loại Tốt trở lên.

Bài viết liên quan