QUY ĐỊNH MỚI
Nghị định mới quy định doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư trong nước; có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư nước ngoài và điều này được áp dụng trong suốt quá trình doanh nghiệp thực hiện đầu tư, kinh doanh thay vì quy định trong nghị định 139 chỉ áp dụng trong quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp (đăng ký đầu tư).
Bên cạnh đó, tại điều 5 của nghị định 102 có quy định cụ thể về việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu đối với quyền nói trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn.
Công ty cổ phần được thực hiện chào bán cổ phần theo một trong các phương thức: thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả internet; chào bán cho từ một trăm nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định; chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư đã được xác định. Hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện chào bán cổ phần thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật về chứng khoán; sau khi kết thúc đợt chào bán cổ phần, công ty đăng ký lại vốn điều lệ theo quy định của luật doanh nghiệp và nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010.
Các hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập quy định tại khoản 5 điều 84 luật doanh nghiệp được hướng dẫn là chỉ áp dụng đối với số cổ phần đăng ký mua tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp lần đầu và đã góp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ngoài ra, nghị định này còn có một số thay đổi về quyền đăng ký kinh doanh và tiến hành hoạt động kinh doanh; tài sản của nhà nước và công quỹ; ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; thực hiện góp vốn và các quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên…
2. Thủ tục cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao:
Ngày 10/9/2010, thủ tướng chính phủ ban hành quyết định số 55/2010/QĐ-TTg quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, công nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Theo quyết định này, tổ chức, cá nhân muốn đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng hoặc nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (giấy chứng nhận hoạt động) gửi hồ sơ đề nghị đến bộ khoa học và công nghệ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Hồ sơ được lập thành 2 bộ, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc và 1 bộ hồ sơ photocopy. Hồ sơ bao gồm: đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động theo mẫu (cá nhân kèm theo 2 ảnh 4x6cm); bản photocopy CMND hoặc hộ chiếu còn giá trị của cá nhân, bản sao có công chứng một trong các loại giấy tờ của tổ chức (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ); bản thuyết minh dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển); xác nhận bằng văn bản của cơ quan chủ quản hoặc sở khoa học và công nghệ đối với các nội dung đã trình bày trong bản thuyết minh dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động do tổ chức, cá nhân gửi, bộ khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp giấy chứng nhận hoạt động và gửi cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động; trường hợp từ chối cấp thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Giấy chứng nhận hoạt động có hiệu lực kể từ ngày cấp và có giá trị đến khi kết thúc dự án, đề tài, đề án và chỉ có giá trị đối với từng dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và là căn cứ để tổ chức, cá nhân được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của luật công nghệ cao.
BẢN TIN HEPZA