Tổng kết công tác bảo đảm trật tư an toàn giao thông năm 2012 tại các KCX & KCN TP.HCM
5/10/23 6:11 AM

I.TÌNH HÌNH TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG(ATGT) TẠI CÁC KCX-KCN.
1. Về tai nạn giao thông trong năm 2012:
            Trong năm 2012, tại các KCX-KCN đã xảy 182 vụ tai nạn giao thông(TNGT) làm chết 02 người, bị thương 129 người. So với cùng kỳ năm 2011, TNGT giảm 36 vụ ( giảm 19,8%), giảm 2 người chết ( giảm 50% ), giảm 90 người bị thương ( giảm 69,8 % )
            Tai nạn giao thông của các KCX,KCN mặc dù số vụ có giảm nhưng vẫn ở mức cao, chủ yếu là va chạm xây sát nhẹ, không nghiêm trọng, 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại khu công nghiệp Tân Tạo, Vĩnh Lộc.
2. Về ùn tắc giao thông như sau:
Có 4 khu còn xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông gồm :
-         Khu chế xuất Tân Thuận
-         Khu chế xuất Linh Trung 1,2
-         Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp
3.      Nguyên nhân:

Việc giao thông thông suốt giữa dân cư bên ngoài tự do đi lại trên các trục đường giao thông trong các KCN làm ảnh hưởng đến an toàn trật tự giao thông trong các KCN. Khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung lực lượng lao động quá lớn nên khi di chuyển đồng loạt ra vào làm việc trong khu gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, đồng thời việc thực hiện nếp sống sinh hoạt công nghiệp cũng như văn minh đô thị chưa cao như tình trạng người điều khiển phương tiện gia thông không làm chủ tốc độ khi điều khiển xe máy, phóng nhanh, vượt ẩu, chạy lấn tuyến; dàn hàng ngang ba hoặc bốn, vừa lái xe vừa đùa giỡn, công nhân sợ trễ giờ làm việc... dẫn đến tai nạn giao thông.
Tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến đường giao thông kế cận các KCN còn diễn ra, cụ thể : giờ cao điểm(vào ca, tan ca ở doanh nghiệp), trong khi đó chợ tự phát, bán hàng rong chiếm dụng lòng lề đường thường xuyên diễn ra; Bên cạnh đó là triều cường tại các kênh, rạch lên cao trong năm, cũng làm ảnh hưởng lớn đến giao thông của một số khu vào giờ cao điểm. Việc kết nối hạ tầng trong và ngoài KCX-KCN vẫn chưa hoàn thiện, các dự án nâng cấp mở rộng đường tại KCX Tân Thuận; KCN Lê Minh Xuân; KCN Vĩnh Lộc, KCN Tân Thới Hiệp triển khai quá chậm gây ùn tắc giao thông kéo dài.         
II. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI BẢO ĐẢM TRẬT TỰ ATGT:
 1. Công tác chỉ đạo điều hành:
           - Ban quản lý thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo các Doanh nghiệp KCX-KCN, các công ty đầu tư và phát triển hạ tầng(PTHT) KCX-KCN thực hiện các biện pháp trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ.
 - Tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch đảm bảo ATGT năm 2012 trong KCX-KCN cùng sự tham gia của các đơn vị liên quan như công ty PTHT KCX-KCN, Công đoàn các KCX-KCN, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh KCX-KCN, Hiệp hội các DN KCX-KCN gồm các nội dung:
            + Tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi quản lý bằng các giải pháp, hành động thiết thực, cụ thể, hiệu quả.
            + Kéo giảm số vụ tai nạn giao thông trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương.
            + Các cổng ra vào KCX-KCN thông thoáng, không bị ùn ứ trong giờ vào ca, tan ca.
            + 13/13 KCX-KCN đồng loạt triển khai thực hiện nhiệm vụ về ATGT liên tục và có hiệu quả trong năm 2012.
2. Kết quả thực hiện các giải pháp:
Tình hình triển khai theo quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 11/1/2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố trong năm 2012, các công ty PTHT KCX-KCN đã đăng ký thực hiện 71 nhiệm vụ : Đã thực hiện được 40 nhiệm vụ, 29 nhiệm vụ tiếp tục đang thực hiện, 2 nhiệm vụ chưa thực hiện (tại KCN Lê Minh Xuân, KCN Tân Thới Hiệp).
Hepza thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các công ty PTHT KCX-KCN thực hiện báo cáo đầy đủ và đúng tiến độ trong việc triển khai kế hoạch thực hiện năm An Toàn Giao Thông tại Khu theo nội dung chỉ đạo tại công văn số 213/BQL-KCN-HCM-PĐD ngày 8/2/2012. Các Công ty phát triển hạ tầng KCX-KCN đã thực hiện các giải pháp như sau:
- Kiểm tra lại toàn bộ các biển báo giao thông tại các trục giao thông trọng điểm trong các KCX-KCN. Trao đổi với cơ quan giao thông để lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu, đèn giao thông, biển báo (nguy hiểm, giảm tốc độ…) còn thiếu. Xây dựng các quy định về đậu xe tại các trục đường trong Khu và trước cổng các doanh nghiệp; phân luồng giao thông đảm bảo không để ùn tắc trên các trục đường của KCX-KCN trong các giờ cao điểm(vào ca, tan ca).
- Thực hiện công tác tuyên truyền vận động công nhân tích cực hưởng ứng năm ATGT : treo khẩu hiệu, băng rôn tại các con đường chính trong khu, nơi dễ nhìn. Tăng cường lực lượng bảo vệ tuần tra trên các trục lộ chính, cổng ra vào KCX-KCN vào các giờ cao điểm để ngăn chặn ùn, tắc giao thông và tai nạn giao thông.
- Phối hợp chặt chẻ giữa bảo vệ KCX-KCN với công an địa phương trong việc giải quyết ùn, tắc giao thông và tai nạn giao thông; Hỗ trợ địa phương trong việc giải quyết các chợ tự phát, bán hàng rong chiếm dụng lòng lề đường.
- Đối với các doanh nghiệp trong KCX-KCN đã tuân thủ theo các quy định về dừng, đỗ các loại phương tiện lưu thông chuyên chở hàng hóa, vật tư tại các trục đường trong khu và trước cổng các doanh nghiệp theo Nội quy của Khu.
- Làm việc với các doanh nghiệp bố trí lệch giờ làm việc, vận động công nhân hưởng ứng sử dụng xe buýt khi đến làm việc tại doanh nghiệp.
- Đối với công nhân vi phạm về giao thông trong đường nội khu, đội bảo vệ Khu lập biên bản ghi nhận và sau đó lập danh sách gửi cho Lãnh đạo các doanh nghiệp nơi công nhân đó làm việc biết để nhắc nhở.
3. Khó khăn, vướng mắc:

KCX-KCN tập trung nhiều lực lượng lao động trẻ, phương tiện đi lại chủ yếu của họ là phương tiện cá nhân, nhưng ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ chưa tốt khi lưu thông trên đường, nhất là khi đi làm, hoặc lúc tan ca mệt mỏi.
Việc bố trí xe buýt chuyên chở phục vụ cho công nhân khó thực hiện do đặc thù nghề nghiệp và thời gian làm việc tại KCX-KCN theo ca kíp. Phương tiện công cộng như xe buýt thường di chuyển chậm, không đảm bảo đúng thời gian khi đi làm, nên người lao động trong các KCX, KCN rất ít sử dụng phương tiện này.
 Hình thức tuyên truyền Pháp luật giao thông đường bộ chưa sinh động, hấp dẫn và còn ít nên việc người lao động tiếp thu luật pháp về lĩnh vực này đạt hiệu quả thấp.
Hệ thống cơ sở hạ tầng trong và ngoài khu kết nối chưa hoàn chỉnh, chất lượng chưa đạt nên ảnh hưởng đến sự lưu thông của các phương tiện dễ gây ùn tắc tại các điểm kết nối.
Khi tham gia giao thông trong KCX, KCN người điều khiển các phương tiện giao thông thường vi phạm các qui định về an toàn giao thông như : phóng nhanh, chạy ẩu, giành đường, lấn tuyến… nên đễ gây ra tai nạn. Các hình thức xử phạt chế tài trong những khu vực này thường ít được thực hiện vì không có lực lượng công an giao thông, còn lực lượng bảo vệ tại các khu vực này thì không có chức năng và thẩm quyền xử lý.   
III. Phần đề xuất, kiến nghị:
 HEPZA đề xuất với Ban An toàn Giao thông Thành phố thường xuyên cung cấp các tài liệu tuyên truyền, poster, tờ bướm, cẩm nang về an toàn giao thông và xem xét bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện công tác tuyên truyền như tổ chức các hội thi, cuộc thi, các buổi nói chuyện chuyên đề…, công tác khen thưởng đối với các cá nhân và tập thể thực hiện tốt về ATGT tại các KCX-KCN.
             Phối hợp với Sở CA.TPHCM, cử cán bộ tuyên truyền Nghị định 71/2012/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2012), sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có những mức phạt được nâng lên khá cao mang tính răn đe đối với ý thức người tham gia giao thông.
             Kiến nghị với Sở Giao thông vận tải, các Khu quản lý giao thông đô thị số 4 thuộc Sở Giao thông vận tải hỗ trợ các công ty PTHT KCX-KCN thực hiện việc lắp đèn tín hiệu giao thông, các biển báo đầy đủ tại nút giao lộ, chốt giao thông trọng điểm trong khu công nghiệp; Đẩy nhanh việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường Huỳnh tấn Phát ( quận 7 ) – KCX Tân Thuận; đường Trần Đại Nghĩa ( Bình Chánh ) –KCN Lê Minh Xuân; đường Nguyễn Thị Tú ( Bình Tân ) KCN Vĩnh Lộc.
Kiến nghị với UBND Quận, huyện nơi có các KCX-KCN :
+Thúc đẩy nhanh tiến độ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công các công trình phục vụ cho giao thông;
 + Tăng cường các cơ quan chức năng địa phương trong việc phối hợp với các Công ty PTHT KCX-KCN nhằm quyết liệt dẹp chợ tự phát, hàng rong trước cổng khu gây ảnh hưởng giao thông tại các cổng ra vào KCX-KCN.

Kiến nghị với Liên đoàn Lao động Thành phố chỉ đạo các cơ sở Công đoàn trực thuộc tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho người lao động đang làm việc tại các KCX-KCN.

Bài viết liên quan