Thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH ngày 01/3/2013
5/10/23 6:11 AM
Ngày 01/3/2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 04/2013/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp.

 

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2013.
 
Một số nội dung thay đổi cần lưu ý trong Thông tư:
 
1) Người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là người có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐ làm việc đã đóng BHTN, tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:
  • Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.
  • Tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị.
2) Mức hỗ trợ học nghề:
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề thì s4 được hỗ trợ học nghề. Mức hỗ trợ học nghề sẽ tùy theo mức chi phí học nghề của từng nghề và thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (trước đây là mức hỗ trợ học nghề bằng mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp).
 
3) Về đăng ký thất nghiệp:
  • Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc (trước đây là 7 ngày), nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc để đăng ký thất nghiệp.
  • Trường hợp người lao động có nhu cầu đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm không phải là nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì khi đăng ký thất nghiệp phải có xác nhận về việc chưa đăng ký thất nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
  • Thời hạn 3 tháng nêu trên được tính theo tháng dương lịch và được tính từ ngày người lao động mất việc làm đến ngày đó của 3 tháng sau. Nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó. (Ví dụ 5: Ông Nguyễn Văn A chấm dứt HĐLĐ ngày 15/1/2013 thì ngày ông A hết thời hạn đăng ký thất nghiệp là ngày 15/4/2013.
4) Người lao động phải trực tiếp nộp đầy đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp (ngày thứ nhất trong thời hạn mười lăm ngày là ngày làm việc ngay sau ngày người lao động đăng ký thất nghiệp).
Những trường hợp NLĐ không phải trực tiếp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp:
  • Ốm đau, thai sản có giấy xác nhận của Bệnh viện cấp huyện hoặc cấp tương đương trở lên;
  • Bị tai nạn có giấy xác nhận của Bệnh viện cấp huyện hoặc cấp tương đương trở lên hoặc xác nhận của cảnh sát giao thông đối với trường hợp bị tai nạn giao thông;
  • Do thiên tai, dịch họa có xác nhận của Chủ tịch UBND cấp xã theo đơn đề nghị của người lao động.
Các trường hợp không trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm để nộp hồ sơ thì người lao động gửi hồ sơ theo quy định thông qua người khác hoặc qua đường bưu điện (trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày ghi trên dấu bưu điện).
 
5) Hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định hỗ trợ học nghề của người lao động:
Sau 2 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc quyết định hỗ trợ học nghề thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc hỗ trợ học nghề. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định hỗ trợ học nghề của người lao động.
Thời gian đóng BHTN của người lao động trong trường hợp hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được cộng dồn.
 
6) Trách nhiệm của người sử dụng lao động:
  • Thông báo với Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) tại địa phương về số lao động đang làm việc tại thời điểm ngày 01/5/2013 (theo mẫu số 27 ban hành kèm theo Thông tư  số 04) trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm nêu trên.
  • Những doanh nghiệp thành lập sau ngày 15/4/2013 thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập phải thông báo về TTGTVL số lao động làm việc tại đơn vị.
  • Định kỳ, trước ngày 25 hàng tháng, người sử dụng lao động phải thông báo với TTGTVL tình hình biến động lao động.
  • Người sử dụng lao động giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay với TTGTVL để tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Bài viết liên quan