Chuyên mục
giới thiệu chung

THƯ NGỎ

Kính gửi: Quý độc giả trong và ngoài nước.

      Khởi đầu từ dự án xây dựng KCX Tân Thuận đầu tiên vào năm 1991, tiếp theo đó là KCX Linh Trung, rồi lần lượt hình thành các khu công nghiệp ở các quận, huyện vùng ven thành phố. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay thành phố đã có 3 khu chế xuất và 16 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 4.532 ha; trong đó 17 KCX, KCN đã hoạt động. KCX - KCN Thành phố được hình thành nhằm thực hiện 5 mục tiêu kinh tế của Chính phủ đề ra thể hiện trên các nhiệm vụ: (1) Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; (2) Giải quyết việc làm; (3) Du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; (4) Tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; (5) Góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của thành phố phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa các vùng ngoại thành.

      Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA) được thành lập từ năm 1992 nhằm giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước có các dự án đầu tư trong KCX - KCN được hoạt động thuận lợi và phát triển. Tính đến 31/12/2017, tại các KCX - KCN có 1.495 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9,936 tỷ USD. Trong đó: Dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 564 dự án, vốn đầu tư đăng ký 5,675 tỷ USD; Dự án có vốn đầu tư trong nước là 931 dự án, vốn đầu tư đăng ký 63.909 tỷ VNĐ (tương đương 4,26 tỷ USD). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 6 tỷ USD với các thị trường chủ yếu là Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan; Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 4,95 tỷ USD. Tổng số lao động làm việc trong KCX – KCN khoảng 291.712 người, trong đó lao động nước ngoài là 2.546 người.

      Với những kết quả đạt được nêu trên và đứng trước bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết và có hiệu lực, như: hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác (RCEP); FTA với Liên minh châu Âu; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); FTA Việt Nam – Hàn Quốc; tiếp tục cắt giảm thuế quan theo cam kết tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)…; và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang trong giai đoạn khởi phát. Những yếu tố đó sẽ mở ra cho Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh vận hội mới để hội nhập, phát triển, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu sản xuất công nghiệp.

      Hiện nay, định hướng phát triển KCX - KCN của Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2025 là chuyển dần các KCX – KCN hiện hữu thành KCN xanh, sạch và KCN ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các KCN mới theo hướng phát triển các ngành công nghệ cao và thu hút đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng công nghệ cao, bao gồm: Cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất và chế biến lương thực - thực phẩm; và các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

      Chúng tôi xem quý độc giả như những nhà đầu tư tiềm năng và mời gọi các bạn đến Thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Hy vọng trang thông tin điện tử HEPZA sẽ cung cấp những thông tin cần thiết và bổ ích, đáp ứng yêu cầu của quý độc giả trong nước và quốc tế cũng như kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài biết thêm về Thành phố Hồ Chí Minh, về chính sách kinh tế mở cửa, các chính sách ưu đãi và cơ hội đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp.

      Chúc quý độc giả hạnh phúc và thành đạt. 

BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CHẾ XUẤT VÀ CÔNG NGHIỆP TP. HỒ CHÍ MINH