Chuyên mục
Tổng quan về thành phố hồ chí minh

Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh

Về vị trí địa chính trị, Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích là 2.056 km2, gồm 1 thành phố và 21 quận huyện (16 quận và 5 huyện), dân số Thành phố trên 8,99 triệu dân. Vị trí địa lý thuận lợi với phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang, một phần phía Nam giáp biển. Thành phố có vị trí địa chính trị hết sức thuận lợi về tất cả các mặt của khu vực phía Nam và giao thương Quốc tế, có hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, phát triển như:

- Hệ thống giao thông đường bộ: Quốc lộ 1A đi qua từ Bắc vào Nam nối liền các tỉnh Miền tây, Quốc lộ 13 nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Quốc lộ 22 nối các tỉnh phía Tây Bắc với nước bạn Campuchia, Quốc lộ 50 kết nối một số tỉnh Tây Nam Bộ và hướng ra biển.

- Hệ thống cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong hệ thống cảng biển nhóm 5 bao gồm các khu cảng Cát Lái, Sài Gòn, Nhà Bè và Hiệp Phước là điểm giao thương hàng hóa đường biển quan trọng của cả khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hệ thống cảng có thể tiếp nhận tàu container 58.000 DWT (tương đương 4.500 TEU) với khối lượng hàng hóa qua cảng năm 2016 là hơn 100 triệu tấn. Dự kiến đến năm 2030, hệ thống cảng biển Thành phố sẽ có thể tiếp nhận số lượng hàng hóa qua cảng hơn 150 triệu tấn. Hệ thống cảng biển đóng góp rất lớn trong việc tạo lợi thế thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

- Cảng hàng không Tân Sơn Nhất là đầu mối giao thông quan trọng của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung, là cửa ngõ giao thương của thành phố Hồ Chí Minh với các nền kinh tế khác trên thế giới. Ngoài việc là cảng hàng không phục vụ vận chuyển người, trang thiết bị phục vụ các lĩnh vực khác nhau nhanh chóng, tiện lợi thì những năm gần đây việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không ngày một tăng cao và có tiềm năng lớn trong tương lai. Đây là một trong những cảng hàng không lớn của Việt Nam về diện tích lẫn công suất, quy mô vận chuyển đạt năm 2018 đạt hơn 38,5 triệu khách và khoảng 500.000 tấn hàng hóa. Ngoài ra, Thành phố cũng đã kiến nghị Trung ương chấp thuận cho thành phố sử dụng khu đất phía Tây (khoảng 21 ha) để đầu tư nâng cao năng lực khai thác sân đỗ, tàu bay, đường lăn và nhà ga nhằm nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt khoảng 50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Về vị trí trung tâm kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam và hàng đầu cả nước, với diện tích chiếm 0,6% và dân số chiếm 6,6 % so với cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nước, Thành phố Hồ Chí Minh có nền kinh tế năng động nhất, đi đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng theo hàng năm, có mức đóng góp GDP lớn nhất trong cả nước với tỷ trọng GDP của Thành phố chiếm 1/3 GDP của cả nước.

Về thương mại, dịch vụ, thành phố là trung tâm xuất nhập khẩu lớn nhất nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Cơ sở vật chất ngành thương mại được tăng cường với khoảng 238 chợ (có 3 chợ đầu mối), 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và 2656 cửa hàng tiện lợi. Khu vực dịch vụ tăng trưởng vượt kế hoạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất - kinh doanh và phục vụ đời sống dân cư.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính, ngân hàng lớn nhất Việt Nam, dẫn đầu cả nước về số lượng ngân hàng và doanh số quan hệ tài chính, tín dụng. Doanh thu của hệ thống ngân hàng thành phố chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu toàn Quốc.

Ngoài các điều kiện về cơ sở hạ tầng nêu trên, thành phố Hồ Chí Minh còn có những lợi thế khác như: nguồn lao động dồi dào, có chất lượng về tri thức, chất xám, cơ sở vật chất, dịch vụ phát triển và thị trường tiêu thụ rộng lớn, … Hơn thế nữa, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi có nhiều lợi thế trên nhiều mặt so với các vùng khác của Việt Nam như cơ sở hạ tầng, vị trí đầu mối giao thương Quốc tế sẽ là nền tảng, cơ sở, có vai trò hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa các tỉnh và Thành phố và là cầu nối giao thương kinh tế giữa các tỉnh thành trong khu vực phía Nam với Khu vực và Thế giới.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước và của Vùng kinh tế trong điểm phía Nam, là địa phương đầu tiên phát triển Khu chế xuất, khu công nghiệp với định hướng tập trung phát triển các ngành cơ khí gia dụng, sản xuất phương tiện vận tải, chế tạo máy, chế tạo thiết bị công nghệ, điện tử và các ngành công nghệ cao khác vừa theo chiều rộng, vừa theo chiều sâu, tạo tốc độ tăng giá trị sản lượng sản phẩm cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, Thành phố là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh so với cả nước, số dự án đầu tư vào thành phố chiếm khoảng 1/3 tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên cả nước. Thành phố luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng thu ngân sách của đất nước, mặc dù có nhiều khó khăn song thu ngân sách của thành phố vẫn không ngừng tăng trưởng theo từng năm. Trong đó, các Khu chế xuất, khu công nghiệp đóng vai trò rất lớn trong thu hút đầu tư, nhập và xuất khẩu hàng hóa của Thành phố, góp phần không nhỏ trong tổng thu ngân sách cuả toàn Thành phố.

Ngày 30/12/2022 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó:

Bộ Chính trị nêu rõ tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững.

Thành phố phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Về mục tiêu và tầm nhìn, Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.