Chuyên mục
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Quá trình hình thành và phát triển các Khu chế xuất và Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

Trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa theo tinh thần Nghị Quyết Đại Hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Chính phủ (lúc đó là Hội đồng Bộ trưởng) chủ trương làm thí điểm một mô hình kinh tế nhằm thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở cửa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Với sự quyết đoán của Chính phủ, cùng với nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình khu chế xuất đầu tiên của cả nước – khu chế xuất Tân Thuận, được thành lập vào ngày 25 tháng 11 năm 1991. Trong 04 năm thí điểm, từ năm 1992 đến năm 1996, Thành phố Hồ Chí Minh thành lập thêm 2 khu chế xuất, đó là khu chế xuất Linh Trung 1 và khu chế xuất Linh Trung 2.

            Thực hiện chủ trương phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp và chuyển từ thí điểm sang tạo sự thuận lợi cho việc xây dựng các cơ sở công nghiệp mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước; trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2003, Thành phố mở rộng, tìm kiếm quỹ đất phát triển công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, thành lập thêm 10 KCN với tổng diện tích 1.519 ha.

            Giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2010, Thành phố và các Công ty xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ người lao động.

            Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Thành phố tiếp tục phát triển và hoàn thiện các khu công nghiệp theo chiều sâu, thu hút đầu tư có sự tập trung về chất và lượng với các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, giá trị thu hút dần được nâng cao. Trong giai đoạn này Thành phố thành lập thêm 6 khu công nghiệp mới và mở rộng thêm 5 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.600 ha, nâng dần tỷ trọng, giá trị thu hút đầu tư nước ngoài, tăng năng suất lao động, và triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Sau 30 năm phát triển, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.900 ha, với tỷ lệ lấp đầy đạt 81%. Các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao giá trị xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của Thành phố phát triển theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển.

Các Khu chế xuất, Khu công nghiệp đã thu hút được hơn 1.600 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 12,5 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%; bình quân hàng năm các khu chế xuất, khu công nghiệp thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (các năm gần đây từ 550-600 triệu USD), chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của Thành phố trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 7tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố; trung bình hàng năm nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách Thành phố (không kể dầu thô).

Các khu chế xuất, khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của Thành phố, trong đó tính riêng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 18%.

Thành lập Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố

Ngay sau khi Quy chế khu chế xuất được ban hành và khu chế xuất Tân Thuận được thành lập, Ban quản lý khu chế xuất Tân Thuận đã được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng số 62/CT ngày 26/2/1992, gồm 8 thành viên, Trưởng ban là ông Lữ Minh Châu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư, Phó ban là ông Nguyễn Công Ái - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các Ủy viên là Vụ trưởng, Vụ phó đại diện cho các Bộ: Thương mại, Tài chính, Công an, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Hải quan và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

            Sau khi khu chế xuất Linh Trung ra đời, Ban Quản lý đổi tên thành Ban Quản lý các khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh và được sử dụng con dấu có hình quốc huy theo Thông báo số 433/KTĐN ngày 27/10/1992 của Văn phòng Chính phủ.

            Sau khi một số khu công nghiệp được thành lập, Ban Quản lý các khu chế xuất thành phố Hồ Chí Minh được chuyển thành Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Quản lý) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 731/TTg ngày 03/10/1996.

Từ tháng 10 năm 2000, Ban Quản lý được chuyển giao trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế, chương trình công tác của Ủy ban nhân dân Thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên môn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành, lĩnh vực.

Ban Quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2022.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung là cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”. Cơ chế này ra đời và vận hành lần đầu tiên cùng với việc ra đời và phát triển của khu chế xuất Tân Thuận. Lần đầu tiên trong phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho cơ quan quản lý đặc thù ở địa phương là Ban Quản lý các Khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh con dấu quốc huy và chỉ đạo các Bộ ủy quyền cho Ban Quản lý để xử lý tại chỗ những vấn đề phát sinh tại khu chế xuất.

Với những bước tiến đột phá trong thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” đã được nhân rộng, áp dụng rộng rãi và trở thành nguyên tắc hoạt động của các Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước từ đó đến nay. Trong 30 năm qua, Ban Quản lý đã thực hiện tốt cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”, giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, làm thay đổi phong cách quản lý ngày càng tiên tiến hơn; đảm bảo tập trung thống nhất đầu mối trong quản lý, hoàn thiện cung cách phục vụ đã tạo được lòng tin cho nhà đầu tư.

Định hướng phát triển các Khu chế xuất và Khu công nghiệp Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; giảm công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai, tăng các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ; Tập trung xây dựng mới các KCN theo các mô hình KCN chuyên ngành, như: công nghiệp dược, công nghệ thông tin, điện điện tử, cơ khí chế tạo, lương thực thực phàm, ... gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhằm phát triển bền vững các KCX, KCN.