Hướng dẫn cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ

04:06 23/03/2023
 

Ngày 16 tháng 4 năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn số 1048/BKHCN-PTTTDN hướng dẫn cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.

1. Về điều kiện chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ gồm có: (Theo Điều 6 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP)

a) Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

b) Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định.

Doanh nghiệp thuộc một trong hai trường hợp:

- Có năng lực tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định. Năng lực tạo ra kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp tự nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện, tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận.

- Có năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định. Năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp đảm bảo được các điều kiện cần thiết (quy định tại mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP) để triển khai ứng dụng kết quả KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

c) Đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu.

- Đối với doanh nghiệp đã thành lập từ đủ 5 năm trở lên: có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.

Việc xác định tỷ lệ doanh thu để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN: doanh nghiệp tự kê khai trong hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN (có thể kê khai theo kết quả kinh doanh của quý hoặc năm) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của thông tin. Cơ quan quản lý căn cứ vào báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp hàng năm để thực hiện việc quản lý, rà soát, bảo đảm doanh nghiệp duy trì được điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

- Đối với doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm: không cần đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu.

2. Về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ:

Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN đối với các trường hợp sau:

3.1. Các trường hợp gửi hồ sơ trực tiếp về Cục, không cần văn bản đề nghị:

a) Các kết quả KH&CN được hình thành từ nhiệm vụ KH&CN đặc biệt; có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước; có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia; giải quyết các vấn đề KH&CN liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng, nhất là môi trường, sức khỏe; hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông.

b) Doanh nghiệp được thành lập từ việc chuyển đổi tổ chức KH&CN công lập mà đăng ký hoạt động KH&CN tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

3.2. Các trường hợp gửi hồ sơ kèm văn bản đề nghị Cục cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN:

a) Doanh nghiệp có chi nhánh, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đối với trường hợp này, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đề nghị cấp về Sở Khoa học và Công nghệ hoặc Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN. Trường hợp gửi hồ sơ về Cục, doanh nghiệp có văn bản đề nghị Cục thụ lý hồ sơ và cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

b) Các trường hợp theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ khi chưa đủ điều kiện đánh giá kết quả KH&CN.

3. Hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ:

Hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN bao gồm:

a) Đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN theo mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP;

b) Văn bản xác nhận, công nhận kết quả KH&CN của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP;

c) Phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN theo mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.

4. Thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ:

4.1. Thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN:

a) Các trường hợp thu hồi:

- Trường hợp không duy trì được tỷ lệ doanh thu quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP

- Trường hợp không thực hiện chế độ báo cáo trong 03 năm liên tiếp quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP:

+ Hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ có văn bản đề nghị các doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN. Sau khi hết thời hạn báo cáo, đối với những doanh nghiệp không thực hiện việc báo cáo mà không có văn bản xin gia hạn nêu rõ lý do, Sở Khoa học và Công nghệ có công văn thông báo tới doanh nghiệp về việc không thực hiện chế độ báo cáo.

+ Sau 3 năm liên tiếp không thực hiện việc báo cáo, Sở KH&CN thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

b) Hệ quả pháp lý khi bị thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN:

- Sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp không tiếp tục được hưởng những ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu và những hỗ trợ khác của Nhà nước dành cho doanh nghiệp KH&CN.

- Đối với các ưu đãi, hỗ trợ có thời hạn thực hiện trên 12 tháng như vay vốn tín dụng ưu đãi (bao gồm tín dụng đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ từ các Quỹ phát triển KH&CN), hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện cho đến hết thời hạn của hợp đồng vay vốn tín dụng, hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

4.2. Hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN:

a) Các trường hợp hủy bỏ hiệu lực:

- Có hành vi xâm phạm quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả KH&CN đã kê khai trong hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN:

- Có hành vi giả mạo nội dung hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN:

+ Hành vi giả mạo các loại văn bản xác nhận, công nhận kết quả KH&CN của cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP;

+ Hành vi cố ý kê khai sai thông tin về tỷ lệ doanh thu để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN đối với các doanh nghiệp đã thành lập từ đủ 5 năm trở lên.

b) Hệ quả pháp lý khi bị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN:

- Khi bị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp bị truy thu các khoản tiền đã được miễn, giảm đối với doanh nghiệp KH&CN và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài viết liên quan