Họp thảo luận về đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chống suy thoái và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế
Họp thảo luận về đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chống suy thoái và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế
09:05 13/03/2023
Chiều ngày 30/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp để thảo luận về đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chống suy thoái và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế để để chủ động, thích ứng linh hoạt, ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động nhanh, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trong nước.
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, một số chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện một số tổ chức quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu mở đầu cuộc họp, đánh giá thời gian qua, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội và thuận lợi trong bối cảnh quốc tế có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ; dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều nước; lạm phát tăng cao, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá; cạnh tranh chiến lược gay gắt. Việc thay đổi định hướng chính sách ở nhiều nước làm thu hẹp thị trường, tác động đến các chuỗi cung ứng đã tác động tiêu cực đến nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là xuất, nhập khẩu, giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu thì có hạn, cho nên chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương có báo cáo dẫn đề về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới; rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, biến động về dịch bệnh, chính sách ngày càng nhanh. Tình hình các nước lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam chuyển dịch rất nhanh giữa các xu hướng đối nghịch. Đi cùng với đó là việc điều chỉnh chính sách nhanh nhưng rất khác nhau giữa các quốc gia và trong cùng một quốc gia nhưng giữa các thời điểm khác nhau, như: việc điều chỉnh từ chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2020, 2021 sang thắt chặt với tần suất, mức độ khác nhau trong năm 2022 và chưa có điểm dừng; các quốc gia áp dụng chính sách tiền tệ khác nhau. Việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức đối với Việt Nam, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn; áp lực tăng chi phí sản xuất, giá cả đầu ra, hình thành mặt bằng giá mới có thể làm chậm lại đà phục hồi từ cả phía cung và cầu, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới; tiềm ẩn rủi ro đến cân đối ngân sách nhà nươc trong trung và dài hạn, có thể ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu tài chính công, vay, trả nợ công; gia tăng áp lực điều hành ổn định tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, cán cân thanh toán, quản lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng; cán cân thương mại đối mặt với rủi ro thiếu bền vững.
Trong nước, trong một thời gian khá dài, tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, mặt bằng tỷ giá, lãi suất, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về năng lượng, lương thực được bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ giảm mạnh… Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng trong 02 năm 2020-2021, kinh tế Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới vẫn tăng trưởng dương. Năm 2021 kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Kết quả khích lệ của năm 2021 đã hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi những tháng đầu năm 2022. Tăng trưởng kinh tế 06 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản đặt ra và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch; lạm phát được tiếp tục kiểm soát, chỉ số giá bình quân 07 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,54% so với cùng kỳ trong bối cảnh lạm phát ở nhiều quốc gia phát triển tăng cao kỷ lục nhất 40 năm qua; thu ngân sách nhà nước đạt 77,5% dự toán năm…
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố, tính từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến ngày 03 tháng 8 năm 2022, tổng vốn đầu tư thu hút lũy kế kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 392,42 triệu USD, đạt 78,48% kế hoạch (500 triệu USD), giảm 4,25% so cùng kỳ năm 2021 (409,84 triệu USD). Diện tích đất cho thuê đạt 44,74 ha, diện tích nhà xưởng cho thuê đạt 77.151 m2. Về đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 123,19 triệu USD, giảm 31,12% so với cùng kỳ năm 2021 (178,84 triệu USD). Trong đó, cấp mới 9 dự án với vốn đầu tư đăng ký 21,68 triệu USD, giảm 84,6% so với cùng kỳ năm 2021 (140,81 triệu USD); 12 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 101,51 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021 (38,03 triệu USD). Về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 6.226,68 tỷ đồng (tương đương 269,24 triệu USD), tăng 16,55% so với cùng kỳ năm 2021 (231,00 triệu USD). Trong đó, cấp mới 27 dự án với vốn đầu tư đăng ký 4.875,16 tỷ đồng (tương đương 210,80 triệu USD), giảm 1,07% so với cùng kỳ năm 2021 (213,07 triệu USD); 14 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 1.351,52 tỷ đồng (tương đương 58,44 triệu USD), tăng gấp 3,26 lần so với cùng kỳ năm 2021 (17,93 triệu USD).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số dự án FDI đăng ký cấp mới chỉ bằng 56,5% so với cùng kỳ. Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021. Thêm vào đó, sự sụt giảm của vốn đăng ký mới còn do năm ngoái có nhiều dự án quy mô vốn trên 100 triệu USD được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Riêng các dự án này đã chiếm tới 62,6% tổng vốn đăng ký mới của 7 tháng năm 2021. Tính chung 7 tháng qua, chỉ có một số ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD và chỉ chiếm 40,2% tổng vốn đầu tư tính từ đầu năm 2022. Trái ngược với sự chậm lại các dự án đăng ký mới, số dự án điều chỉnh vốn tiếp tục tăng khá mạnh. Cụ thể, có 579 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 3,2% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,24 tỷ USD (tăng 59,3% so với cùng kỳ).
Từ đầu năm 2022 đến nay, các tổ chức quốc tế đã có nhiều nhận xét tích cực đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam, theo đó, tổ chức S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “ổn định”. Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam liên tục được nâng mức dự báo, trong khi thế giới và nhiều quốc gia khác liên tục hạ mức dự báo tăng trưởng, theo đó gần đây nhất IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 7% (tăng so với mức dự báo 6% tại thời điểm 16/5/2022). Việt Nam được đánh giá cao trong xếp hạng chính phủ tốt, đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số bình đẳng thu nhập và thu hút đầu tư (lần lượt tăng 33 bậc và 18 bậc so với năm 2021).
Tuy nhiên bên cạnh những đánh giá tích cực về nhiều kết quả đạt được của nước ta, một số tổ chức quốc tế đã chỉ ra một số điểm hạn chế của nội tại nền kinh tế nước ta như: Nợ xấu toàn ngành ngân hàng tăng ở mức cao; cơ cấu tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là tín dụng bán lẻ và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp gia tăng nhanh chóng. Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công kéo dài nhiều năm chưa có chuyển biến đáng kể, các dự án lớn, hạ tầng quan trọng, việc chậm giải ngân ảnh hưởng đến huy động các dòng vốn, uy tín quốc gia, giảm niềm tin của nhà đầu tư, nhà tài trợ và người dân, có nguy cơ “đội vốn” gây lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả. Độ mở của nền kinh tế đang ở mức cao khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 200% GDP, dễ bị tổn thương trước các biến động từ bên ngoài; khu vực đầu tư nước ngoài đang chi phối độ mở của nền kinh tế, trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước lại thiên về hướng nội, kết nối kém với khu vực đầu tư nước ngoài nói riêng và các chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung. Dòng vốn đầu tư vào Việt Nam chất lượng chưa cao, chưa thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ được như kỳ vọng… Áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022 ngày càng gia tăng, cụ thể: Công tác quản lý giá, điều tiết sản xuất, cung - cầu đối với một số nhóm hàng hóa. Áp lực tăng giá ngày càng gia tăng khi lạm phát từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất trong nước, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã xuất hiện tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao. Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án FDI, gây thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Về tình hình trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giải ngân nhanh hơn, mạnh hơn. Tuy nhiên, rủi ro, thách thức phục hồi kinh tế còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất. Cần phải có thêm các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ kịp thời, tránh suy giảm sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp; từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân.
Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, yêu cầu cần triển khai nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong ngắn hạn tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023)... nhưng cũng phải vừa thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phát triển trong trung và dài hạn như các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội... về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng trưởng xanh, thực hiện 03 đột phá chiến lược, 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm... giai đoạn 2021-2025; chủ động phương án ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.
Mục tiêu điều hành, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 05 năm 2021-2025 khoảng 6,5-7%, bảo đảm các cân đối lớn đặt ra trong giai đoạn 2021-2025: tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP, tỷ lệ huy động vào NSNN không thấp hơn 16% GDP, tỷ lệ bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP… Riêng năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt mức khoảng 7%, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14%.
Hỗ trợ tích cực cho phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, bảo đảm nhu cầu huy động vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, các cân đối lớn.Bảo đảm an sinh xã hội, an dân; hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho các đối tượng yếu thế, người nghèo, thu nhập thấp.
Nguồn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Tiền Phong