Hội thảo Tổng kết “Dự án hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (SPI NAMA) năm 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh”
Hội thảo Tổng kết “Dự án hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (SPI NAMA) năm 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh”
04:48 16/03/2023
Ngày 07 tháng 01 năm 2020, Cục Biến đổi Khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức Hội thảo Tổng kết “Dự án hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (SPI NAMA) năm 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Tham dự hội thảo còn có sự tham gia của Bộ Giao thông vận tải, các Sở ban ngành của Thành phố Hồ Chí Minh, các Viện nghiên cứu, trường Đại học, các doanh nghiệp, Tổ chức các thành phố dẫn đầu về ứng phó biến đổi khí hậu (C40) và các tổ chức phát triển.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tại buổi hội thảo, ông Hiromichi Murakami, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường toàn cầu của JICA Việt Nam đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Những nỗ lực tích cực của Chính phủ Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy cả chính quyền trung ương và địa phương đều chủ động đẩy mạnh các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm hiện thực hóa mục tiêu xã hội cacbon thấp và tiến tới xã hội không phát thải cacbon, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.
Quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng phát thải khí nhà kính nhanh nhất. CO2 phát thải trên đầu người của Việt nam cao hơn các nước Đông Nam Á khác và thấp hơn Trung Quốc, Nhật Bản. Các vùng đất ven biển và đồng bằng của Việt Nam có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của nước biển dâng. Tùy thuộc vào quà trình phát thải sẽ có từ 6 – 12 triệu người bị ảnh hưởng bởi ngập lụt ven biển vào năm 2070 – 2100 nếu không có các giải pháp thích ứng hiệu quả. Do đó, “Chúng ta cần sự cố gắng ở mọi cấp từ quốc gia đến chính quyền địa phương, thành phố, các doanh nghiệp và từng cá nhân” như Tiến sỹ Kawanishi Masato, cố vấn cao cấp về Biến đổi khí hậu của JICA từng khẳng định.
Dự án “Hỗ trợ lập kế hoạch và triển khai thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo phương thức đo đạc, báo cáo thẩm định (MRV)” (gọi tắt là Dự án SPI-NAMA) được thực hiện từ tháng 02 năm 2015 đến tháng 01 năm 2020. Dự án gồm 02 hợp phần: hợp phần một là hỗ trợ nâng cao năng lực điều phối và lập kế hoạch thực hiện các hoạt động về giảm phát thải khí nhà kính của Bộ Tài nguyên và Môi trường; hợp phần hai là hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao năng lực của chính quyền địa phương trong việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động về giảm phát thải khí nhà kính.
Ở hợp phần thứ nhất, Dự án đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, các hướng dẫn quốc gia về MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm tra) cũng như thực hiện đánh giá công nghệ các-bon thấp cho các phương thức giảm nhẹ của hành động đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), được Chính phủ Việt Nam cam kết theo Thỏa thuận Paris.
Ông Lương Quang Huy, cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án đã hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng hệ thống MRV thí điểm theo lĩnh vực và lập kế hoạch về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030... Theo đó, các nhóm chuyên gia JICA đã sử dụng mô hình AIM (Asia – Pacific Integrated Model) để ước tính mục tiêu phát thải khí nhà kính của Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2030. Kết quả cho thấy nếu không thực hiện các giải pháp carbon thấp thì phát thải CO2 vào năm 2030 sẽ tăng 2,62 lần so với năm 2016, nếu thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính thì phát thải CO2 có thể giảm 20% so với kịch bản phát triển bình thường (không áp dụng các giải pháp giảm thiểu khí nhà kính).
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam hướng tới đạt mục tiêu giảm thải nhà kính vào năm 2030 với mức giảm 8% dựa vào nỗ lực của chính Việt Nam và giảm 25% khi có hỗ trợ quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn triển khai nhân rộng các kết quả đạt được của Dự án một cách thiết thực, góp phần thúc đẩy việc triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong lộ trình cắt giảm khí nhà kính của Việt Nam./.