Kết quả kiểm tra công tác PCCC tại KCN Lê Minh Xuân quý III/2012
06:10 10/05/2023
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chánh về công tác an toàn PCCC đối với 41 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 42.350.000 đồng. Các lỗi vi phạm về an toàn PCCC chủ yếu như sau:

-Công tác tự kiểm tra của người đứng đầu doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chưa phát hiện các thiếu sót về điều kiện an toàn PCCC một cách kịp thời nên nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy còn cao.

-Lực lượng PCCC của doanh nghiệp, mặc dù được thành lập và tập huấn nghiệp vụ PCCC theo quy định, qua kiểm tra thực tế lực lượng PCCC của doanh nghiệp chưa được phát huy, nên khi xảy ra cháy lực lượng này chữa cháy kém hiệu quả. Một số doanh nghiệp chủ yếu thuê công ty dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp làm công tác bảo vệ kiêm PCCC tại đơn vị nhưng với số lượng quá ít từ 01 đến 02 người trong một ca trực nên khi xảy ra cháy không thể nào tổ chức chữa cháy được kịp thời. 

-Phương tiện chữa cháy tại chỗ của doanh nghiệp, mặc dù doanh nghiệp có trang bị phương tiện chữa cháy nhưng không thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, khắc phục những hư hỏng một cách kịp thời nên khi xảy ra cháy không phát huy được hiệu quả.

-Các giải pháp chống cháy lan và điều kiện giao thông nội bộ ở giai đoạn ban đầu thực hiện đúng quy định. Nhưng sau đó các doanh nghiệp tự ý xây dựng, cơi nới lấn chiếm các khoảng ngăn cháy và tận dụng bố trí vật tư, hàng hóa trong quá trình sản xuất gây cản trở đến mọi hoạt động trong công tác chữa cháy, cũng như làm giảm tác dụng ngăn cháy giữa các nhà xưởng nên khi xảy ra cháy, đám cháy có điều kiện lan rộng nhanh sang các hạng mục nhà và công trình lân cận.

-Quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt ở một số doanh nghiệp còn chưa tốt, công nhân tự ý câu mắc điện để sử dụng nên đã dẫn đến vi phạm an toàn PCCC, đấu nối dây không đúng quy định, không sử dụng phích cắm, dây dẫn điện không luồn trong ống nhựa PVC bảo vệ ngoài, bảng điện bố trí trong kho không đảm bảo an toàn PCCC.

-Điều kiện thoát nạn của doanh nghiệp chưa đảm bảo: không có bảng chỉ dẫn thoát nạn và đèn chiếu sáng sự cố; cửa thoát nạn tại khu vực xưởng sản xuất còn khóa cửa trong giờ sản xuất …

Ban quản lý các KCX&CN TP. HCM (HEPZA) yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp trong KCN Lê Minh Xuân cần thực hiện ngay các kiến nghị sau đây:

1-Phải tổ chức khắc phục ngay các thiếu sót không đảm bảo an toàn PCCC mà đoàn kiểm tra đã kiến nghị, hướng dẫn trong thời gian nhanh nhất, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra tại doanh nghiệp.

2-Về công tác tự kiểm tra an toàn PCCC: mỗi doanh nghiệp yêu cầu phải thành lập Ban chỉ đạo PCCC và thành viên BCĐ là lãnh đạo các phòng ban trong công ty. Khi thành lập đoàn tự kiểm tra PCCC phải có đầy đủ thành viên của BCĐ PCCC và khi kiểm tra cần phải phát hiện kịp thời các thiếu sót tránh qua loa hình thức.

3-Về lực lượng PCCC tại chỗ: cần bổ sung đầy đủ số lượng ở doanh nghiệp, tuỳ theo quy mô hoạt động mỗi đội cần có từ 15 đội viên trở lên sao cho mỗi ca trực phải có ít nhất 05 đội viên để đảm bảo cho việc tuần tra và giải quyết các tình huống khi có cháy xảy ra, đối với các doanh nghiệp có sử dụng công ty dịch vụ bảo vệ thì cũng cần hợp đồng đủ lực lượng trong một ca trực, việc tập luyện các thao tác sử dụng phương tiện chữa cháy phải có kế hoạch tập luyện hàng tháng tránh học qua loa hình thức không đảm bảo chất lượng.

4-Về phương tiện chữa cháy: phải bổ sung đầy đủ cơ số phương tiện PCCC theo đúng quy định, phải có phiếu theo dõi từng chủng loại phương tiện. Định kỳ, phải kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện PCCC theo đúng quy định, những phương tiện bị hư hỏng phải được bổ sung kịp thời nhằm đảm bảo sử dụng khi có sự cháy, nổ xảy ra.

5-Về các giải pháp chống cháy lan: Không được tự ý xây dựng cơi nới thêm không đảm bảo khoảng cách chống cháy lan, phải phá dỡ tạo khoảng cách chống cháy lan. Toàn bộ vật tư hàng hoá, nguyên liệu có nguy hiểm cháy nổ cần rà soát phân loại theo tính chất nguy hiểm cháy nổ để bố trí sắp xếp, bảo quản đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, ngăn cháy lan bên trong nhà xưởng trong khu vực doanh nghiệp hoặc cháy lan từ ngoài vào trong và ngược lại. Kho bãi bảo quản hàng hoá, vật tư, nguyên liệu dễ cháy phải bố trí riêng biệt hoặc cách ly với kho thành phẩm bằng tường, vách ngăn cháy, màn nước ngăn cháy theo đúng tiêu chuẩn quy định. Tuyệt đối không được để nguyên liệu, vật tư chưa sử dụng tồn đọng trong nhà xưởng, các loại phế liệu phải được dọn dẹp thường xuyên, trước khi hết giờ phải đưa ra nơi an toàn cách xa khu vực sản xuất.

6-Về hệ thống điện: Phải tổ chức khắc phục ngay các thiếu sót, điều cần thiết là các công ty nên bố trí nơi sử dụng điện, tuyệt đối không cho công nhân tự ý câu mắc điện khi chưa có sự đồng ý của người quản lý điện trong công ty. Việc quản lý điện chặt chẽ sẽ loại trừ nguồn nhiệt và nguyên nhân gây cháy nổ do điện khá phổ biến hiện nay.

7-Về lối thoát nạn: trong giờ sản xuất tuyệt đối không được khoá cửa, hàng hoá không được bố trí trên lối thoát nạn và điều cần thiết là nên kẻ sơn có phản quang hướng dẫn hướng di chuyển cho công nhân thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.      

P.ĐD

Bài viết liên quan