Mô hình kết nối trực tiếp ngân hàng - doanh nghiệp. Một hướng đi mới
06:12 10/05/2023

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân TP.HCM về việc tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, thời gian qua, Chi nhánh ngân hàng Nhà nước TP.HCM (Chi nhánh) đã có nhiều hoạt động triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều hình thức, trong đó mô hình kết nối mới đã được Chi nhánh thí điểm triển khai vào cuối năm 2012 và đã cho thấy hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp rất rõ nét. Vào giai đoạn đầu, dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp với mô hình này còn rất khiêm tốn (92 tỷ đồng) nhưng qua đó, đã mở ra một hướng đi mới và hiệu quả trong việc tiếp cận và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Đặc điểm của mô hình kết nối là:

+ Thứ nhất, đối tượng khách hàng tham gia chương trình thuộc mọi loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) hoạt động trong nhiều lĩnh vực (không nhất thiết phải thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đều được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi tối đa bằng lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên.

+ Thứ hai, thông qua chương trình, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được nâng cao hơn một bước so với đối thoại doanh nghiệp đó là: “ký kết thật và làm thật”. Các khoản vay ngắn hạn được ký kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi tại lễ ký kết sẽ phải được thực hiện giải ngân theo đúng cam kết trừ trường hợp khách hàng sử dụng vốn sai mục đích hoặc không còn nhu cầu vay.

Quy trình thực hiện:

+ Bước 1, Chi nhánh phối hợp với các sở, ban, ngành và hiệp hội TP.HCM: Sở Công thương, UBND các quận/huyện, các hiệp hội ngành nghề, Ban quản lý KCX-KCN chủ động thực hiện tìm hiểu khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng;

+ Bước 2, Sau khi nắm bắt đầy đủ khó khăn doanh nghiệp, các đơn vị trên lập danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn, về lãi suất gửi về cho Chi nhánh;

+ Bước 3, Ngay khi nhận được danh sách doanh nghiệp có nhu cầu vốn, Chi nhánh chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động tìm và hỗ trợ tín dụng cho từng khách hàng cụ thể đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại các quận, huyện theo cách thức như: Các ngân hàng tham gia chương trình sẽ tăng hạn mức cho vay hoặc giảm lãi suất cho khách hàng theo danh sách Chi nhánh gửi đến đồng thời chủ động tìm khách hàng có uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả để đưa vào chương trình kết nối hỗ trợ lãi và vốn vay;

+ Bước 4 – kết nối, Chi nhánh phối hợp với Ủy ban nhân dân quận/huyện và Hiệp hội doanh nghiệp từng quận, huyện tổ chức kết nối trực tiếp dưới hình thức chương trình “Ký kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi”.

Sau hơn một năm thực hiện, mô hình kết nối mới đã có sức lan tỏa lớn đến cộng đồng doanh nghiệp các quận, huyện. Chương trình đã quy tụ được sự tham gia của 95 ngân hàng (trong đó có một số ngân hàng tham gia ký kết 2 đợt), đặt biệt có sự đóng góp lớn của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Sacombank, Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Quân Ðội, Ngân hàng Ðông Á,…

Trong 9 tháng đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đã tổ chức ký kết tại 19 quận, huyện cho 365 doanh nghiệp và 67 hộ SXKD và 1 hợp tác xã với tổng hạn mức hỗ trợ là 9.225,64 tỷ đồng. So với năm 2012, chương trình cũng đã mở rộng hơn về đối tượng được hưởng ưu đãi, nếu như trước đây chương trình chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nay là tất cả các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ SXKD hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Phát huy những kết quả đã đạt được, hiện nay, Chi nhánh đang khẩn trương thực hiện phối hợp với các quận/huyện còn lại trên địa bàn để triển khai tổ chức nhân rộng mô hình kết nối mới đến tất cả các quận, huyện còn lại của Thành phố, phấn đấu hoàn thành sớm so với kế hoạch (tháng 10/2013).

Bài viết liên quan