Quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước

06:50 23/03/2023
 

Ngày 28/12/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 136/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước. Thông tư sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2019 với các nội dung liên quan đến doanh nghiệp, cụ thể:

1. Khoản 4 Điều 5 Thông tư số 13/2017/TT-BTC được bổ sung như sau:

“4. Các đơn vị, tổ chức kinh tế có tài khoản tại ngân hàng thương mại thực hiện nộp ngân sách nhà nước (NSNN) bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc nộp bằng tiền mặt tại ngân hàng thương mại để chuyển nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước (KBNN).”

3. Điều 7 Thông tư số 13/2017/TT-BTC được sửa đổi như sau:

a) Khoản 2 được sửa đổi như sau:

“2. Các đơn vị sử dụng NSNN đăng ký nhu cầu rút tiền mặt cho từng ngày thanh toán hoặc đăng ký cho nhiều ngày thanh toán khác nhau, song phải nêu rõ số lượng và thời điểm rút tiền mặt tại từng ngày thanh toán. Việc đăng ký rút tiền mặt với KBNN được thực hiện theo một trong các hình thức sau:

a) Đăng ký qua điện thoại với cán bộ có thẩm quyền của KBNN nơi giao dịch (Trưởng phòng Kế toán hoặc người được ủy quyền đối với KBNN cấp tỉnh; Kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền đối với KBNN cấp huyện).

b) Đăng ký qua Trang thông tin dịch vụ công điện tử của KBNN (trường hợp KBNN đã triển khai tiện ích đăng ký rút tiền mặt qua dịch vụ công).

c) Đăng ký bằng văn bản với KBNN (theo Mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư này).”

b) Khoản 4 được sửa đổi như sau:

“4. Trường hợp đơn vị sử dụng NSNN thực hiện giao dịch với KBNN mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại đăng ký rút tiền mặt ngay trong ngày làm việc tại ngân hàng thương mại đối với những khoản chi phải đăng ký rút tiền mặt theo quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc trường hợp khoản chi không thuộc mức phải rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại, nhưng đơn vị có nhu cầu rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại, thì sau khi kiểm soát chi NSNN và kiểm soát thanh toán bằng tiền mặt theo chế độ quy định, KBNN chuyển chứng từ rút tiền mặt theo phương thức điện tử đến ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản để đơn vị sử dụng NSNN thực hiện lĩnh tiền mặt tại ngân hàng thương mại theo quy trình quy định tại Điều 8 Thông tư này.”

4. Điều 8 Thông tư số 13/2017/TT-BTC được sửa đổi như sau:

“Điều 8. Rút tiền mặt tại ngân hàng

1. Các đơn vị sử dụng NSNN khi giao dịch với đơn vị KBNN mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ một trăm triệu (100.000.000) đồng trở lên trong 01 lần giao dịch, thì thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại nơi đơn vị KBNN mở tài khoản theo quy định tại Khoản 2 Điều này, trừ các trường hợp sau:

a) Đơn vị có khoản nộp vào KBNN và khoản chi bằng tiền mặt trong cùng một lần giao dịch; đảm bảo sau khi bù trừ, số chi thực tế bằng tiền mặt tại KBNN có giá trị không quá một trăm triệu (100.000.000) đồng.

b) Đơn vị KBNN trực tiếp chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

2. Quy trình rút tiền mặt tại ngân hàng:

a) Đơn vị sử dụng NSNN có trách nhiệm ghi đầy đủ, chính xác thông tin (họ tên; địa chỉ; số và ngày cấp chứng minh thư nhân dân hoặc giấy chứng nhận của lực lượng vũ trang hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng) của người nhận tiền mặt (cán bộ, công chức của đơn vị) trên các chứng từ đề nghị thanh toán gửi KBNN.

b) KBNN thực hiện kiểm soát chi NSNN và kiểm soát thanh toán bằng tiền mặt theo chế độ quy định, nếu đủ điều kiện thì chuyển chứng từ rút tiền mặt theo quy trình thanh toán song phương điện tử đến ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản để đề nghị ngân hàng thương mại cung cấp tiền mặt cho đơn vị sử dụng NSNN. Trên chứng từ rút tiền mặt của KBNN phải ghi đầy đủ các thông tin về người nhận tiền của đơn vị nêu tại Điểm a Khoản này.

c) Căn cứ chứng từ rút tiền mặt do KBNN chuyển đến và chứng minh nhân dân hoặc giấy chứng nhận của lực lượng vũ trang hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người nhận tiền, ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản làm thủ tục cấp tiền mặt cho đơn vị sử dụng NSNN (thông qua người nhận tiền của đơn vị); đồng thời, báo Nợ cho KBNN theo quy trình thanh toán song phương điện tử giữa KBNN và ngân hàng thương mại.

3. Đơn vị sử dụng NSNN quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm làm thủ tục rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại ngay trong ngày được KBNN chuyển chứng từ rút tiền mặt sang ngân hàng thương mại; đồng thời, phối hợp hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của ngân hàng khi nhận tiền mặt tại ngân hàng thương mại. Đơn vị sử dụng NSNN tự chịu trách nhiệm về việc quản lý, bảo quản, vận chuyển và sử dụng tiền mặt nhận từ ngân hàng thương mại theo đúng nội dung chi đã được KBNN chấp nhận thanh toán.

Trường hợp đơn vị sử dụng NSNN chưa rút được tiền mặt ngay trong ngày KBNN chuyển chứng từ rút tiền mặt sang ngân hàng thương mại, thì đơn vị phải thông báo cho KBNN biết để phối hợp với ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản xử lý các chứng từ rút tiền mặt đã chuyển theo quy trình thanh toán song phương điện tử giữa KBNN và ngân hàng thương mại.”

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2019. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới, thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Bài viết liên quan