Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
09:57 13/03/2023
Ngày 07 tháng 7 năm 2022 Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP (viết tắt là Nghị định số 45) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Một số quy định mới về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau:
1. Quy định cụ thể thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 02 năm (khoản 1 Điều 5) đồng thời quy định thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm đang thực hiện, các hành vi vi phạm đã kết thúc (khoản 2 Điều 5); quy định cụ thể biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính như: không vận hành hoặc vận hành không thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải; xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng theo giấy phép môi trường; xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định và các hành vi khác (điểm g khoản 3 Điều 4); hành vi tiếp nhận thêm dự án mới không thuộc danh mục ngành nghề được phép thu hút đầu tư theo quy định (điểm g khoản 4 Điều 15); hành vi không xử lý sơ bộ nước thải phát sinh theo điều kiện trong văn bản thỏa thuận với chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (điểm c khoản 5 Điều 15); hành vi không có biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý cho mỗi lần chuyển giao theo quy định (điểm a khoản 2 Điều 26); hành vi không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; thiết bị, dụng cụ lưu chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường (điểm b khoản 2 Điều 26); Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng dưới 300kg/ngày và lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân thì việc xử lý hành vi vi phạm được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này như đối với tổ chức (khoản 11 Điều 26); hành vi không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc lưu giữ chất thải nguy hại trong trường hợp lưu giữ quá 01 năm kể từ thời điểm phát sinh mà chưa tìm được cơ sở xử lý chất thải nguy hại phù hợp, chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi (khoản 1 Điều 29) và các quy định mới khác.
2. Quy định cụ thể các vi phạm về thực hiện đăng ký môi trường (Điều 9), đánh giá tác động môi trường (Điều 10), giấy phép môi trường (Điều 11), vi phạm quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải (Điều 12), vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong trường hợp không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 13), vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư đã triển khai xây dựng nhưng chưa đi vào vận hành hoặc đang hoạt động mà không có giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định (Điều 14).
3. Một số điều khoản chuyển tiếp cụ thể (Điều 76):
- Các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định này đã có hiệu lực thì xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, trừ trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra thì áp dụng Nghị định này.
- Quyết định và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt là văn bản tương đương với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường thành phần đã được cấp là văn bản tương đương với giấy phép môi trường; kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận (cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện) là văn bản tương đương giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tương đương khi xem xét, xác định hành vi vi phạm theo nghị định này.
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25 tháng 8 năm 2022.
Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành./.