Tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của Doanh nghiệp KCX, KCN

04:24 23/03/2023
Tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của Doanh nghiệp KCX, KCN

Thực hiện Kế hoạch số 475/KH-BCĐLNATTP ngày 08/3/2019 của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm và công văn số 641/BQLATTP-QLNĐ ngày 01/4/2019 của Ban Quản lý an toàn thực phẩm về việc phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, căng tin trường học, khu chế xuất - khu công nghiệp hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019; để đảm bảo ngăn ngừa các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các Doanh nghiệp có tổ chức bếp ăn tập thể phục vụ công nhân, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố đã ban hành công văn số 1430/BQL-LĐ ngày 08/4/2019 về việc phòng chống ngộ độc Thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin của Doanh nghiệp KCX, KCN. Theo đó những nội dung mà các Doanh nghiệp đang hoạt động tại KCX, KCN có tổ chức bếp ăn tập thể hoặc nhận suất ăn nấu sẵn từ các đơn vị dịch vụ bên ngoài để phục vụ bữa ăn cho công nhân cần lưu ý:

1. Để bảo đảm ATTP, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm Chủ Doanh nghiệp cần quan tâm, đôn đốc và theo dõi các bếp ăn        tại Doanh nghiệp mình trong việc sử dụng nguyên liệu để chế biến suất ăn, phải đảm bảo sử dụng nguyên liệu thực phẩm an toàn, có truy xuất được nguồn gốc   xuất xứ, đồng thời phải từng bước xây dựng lộ trình sử dụng thực phẩm an toàn như sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, chuỗi thực phẩm an toàn. Đối với thực phẩm chế biến, khuyến khích sử dụng các sản phẩm từ những cơ sở đã được chứng nhận HACCP, ISO 22000…; cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh;

2. Khuyến cáo thực hiện 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn bao gồm:

  • Chọn thực phẩm an toàn.

  • Nấu kỹ thức ăn.

  • Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.

  • Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.

  • Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.

  • Không để lẫn thực phẩm sống và chín.

  • Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.

  • Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.

  • Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, gặm nhấm và các động vật khác.

  • Sử dụng nguồn nước sạch.

3. Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm:

  • Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc       sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc        đi bệnh viện;

  • Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất thải của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh;

  • Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột…và các hướng dẫn   vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.

4. Đối với các Doanh nghiệp sử dụng suất ăn từ những cơ sở bên ngoài     đưa vào để phục vụ công nhân, Chủ Doanh nghiệp cần thường xuyên kiểm tra,  yêu cầu xuất trình chứng cứ để minh chứng nguồn nguyên liệu các cơ sở sử dụng là nguồn thực phẩm an toàn. Đồng thời yêu cầu chủ cơ sở cung cấp suất ăn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp có sự cố xảy ra./.

Bài viết liên quan