Thông tin về Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Thông tin về Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư
01:17 14/03/2023
Ngày 18/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (viết tắt là Luật PPP).
Luật PPP gồm 11 chương và 101 điều, thống nhất điều chỉnh hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công – tư.
Phương thức đối tác công tư (PPP – là ký hiệu viết tắt của cụm từ “Public Private Partnership”) bắt đầu hình thành từ năm 1997 xuất phát từ mong muốn thu hút được vốn đầu tư từ tư nhân để tăng cường nguồn lực vốn đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội (Nghị định số 77-CP ngày 18/6/1997 của Chính phủ ban hành Qui chế đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (B.O.T) áp dụng cho đầu tư trong nước). Qua nhiều lần được sửa đổi, bổ sung phương thức đầu tư này đã chính thức được Luật hóa nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn trong việc thu hút vốn đầu tư tư nhân từ trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công mà Nhà nước có trách nhiệm cung cấp, đặc biệt là thời kỳ phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Theo Luật này, có 5 lĩnh vực thiết yếu được đầu tư theo phương thức PPP gồm: Giao thông; Lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); Thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; Y tế, giáo dục - đào tạo; Hạ tầng công nghệ thông tin.
Về quy mô đầu tư của dự án PPP được quy định như sau:
- Không thấp hơn 200 tỷ đồng đối với các dự án thuộc lĩnh vực: Giao thông vận tải; lưới điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải và hạ tầng công nghệ thông tin.
Trường hợp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư thì không thấp hơn 100 tỷ đồng.
- Không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với các dự án thuộc lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo.
Việc lựa chọn nhà đầu tư được áp dụng trong đầu tư được thực hiện thông qua các hình thức như: đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư và lụa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Theo quy định tại Điều 44, sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư chỉ được thành lập doanh nghiệp dự án PPP theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần (không được là công ty đại chúng) và có mục đích duy nhất để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án PPP. Doanh nghiệp được phát hành, mua lại trái phiếu riêng lẻ do mình đã phát hành, chứng khoán để huy động vốn thực hiện dự án PPP; không được phát hành trái phiếu riêng lẻ chuyển đổi và trái phiếu riêng lẻ kèm chứng quyền.
Luật PPP có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2021.